Mặn xâm nhập vào sâu ở miền Tây

Mặn xâm nhập vào sâu các vùng canh tác lúa đang là nỗi trăn trở của nhiều bà con nông dân miền Tây

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nếu việc xả nước hạn chế của thủy điện Trung Quốc tiếp tục kéo dài thì khả năng rất cao, ở ĐBSCL, mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3.

Mặn xâm nhập vào miền Tây do thủy điện Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm xả nước xuống hạ lưu

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, vừa qua phía thủy điện Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm xả nước xuống hạ lưu. Cụ thể là trước đó, trong thời gian từ (26/1-2/2), thủy điện Cảnh Hồng xả nước xuống hạ lưu dao động từ 650m3/s đến 904m3/s.

Mặn xâm nhập làm thiệt hại lúa
Mặn xâm nhập làm thiệt hại lúa

“Đã hai tuần liên tục xả thấp trong thời gian qua. Do vậy, việc tích nước muộn và xả nước cầm chừng đầu mùa khô là rất có thể xảy ra ở khu vực thủy điện Trung Quốc” – Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết.

Do dòng chảy về ĐBSCL giảm mạnh vào các tháng mùa khô và phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn, do đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo mặn tiếp tục tăng cao trong tháng 2 này và kéo dài sang tháng 3.

Cụ thể, trong tháng 2, nước mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 45-60 km tại vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Đặc biệt, nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Đối với vùng ven biển thuộc các địa phương Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, trong tháng 2, nước mặn có thể vào sâu 45-60 km. Từ tháng 3, nước mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ và có thể xâm nhập sâu 65-75 km.

Riêng đối với vùng này, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, mặn xâm nhập có thể ảnh hưởng đến sản xuất cả vùng mặn và vùng ngọt. Việc thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn.

Đề phòng mặn xâm nhập sâu bất thường ở miền Tây

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn sâu bất thường có thể xảy ra ở ĐBSCL bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời gian nào do vận hành thuỷ điện Trung Quốc gây ra. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng chống hạn mặn phù hợp.

Ở vùng giữa ĐBSCL, nguồn nước cơ bản đảm bảo. Do đó, các địa phương chỉ lưu ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước. Riêng việc lấy nước tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước, nhất là đối với cây ăn quả.

Đối với vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và tình hình sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh.

Đề phòng mặn xâm nhập sâu bất thường
Đề phòng mặn xâm nhập sâu bất thường

Vì vậy, ngành chức năng cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị mặn, đặc biệt là tại các vùng ăn Trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Để đề phòng các rủi ro do hạn mặn gây ra, các địa phương ở ĐBSCL cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó. Song song đó là tăng cường công tác giám sát mặn, thường xuyên điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Xem thêm:

Giải pháp tối ưu phòng trừ bệnh cháy bìa lá

Nguồn: Báo Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *